Thế giới đang thay đổi với tốc độ chóng mặt. Để không bị tụt lại phía sau, giáo dục đại học cũng cần phải được đổi mới một cách toàn diện.
Khi đứng trước những lựa chọn giáo dục đại học, các sinh viên tương lai cần tự đặt câu hỏi cho bản thân: giá trị nhận được có tương xứng với chi phí bỏ ra hay không? Khóa học này có giúp ta cân bằng giữa những kỹ năng mềm vốn luôn luôn cần thiết với những kỹ cứng vốn nhanh chóng trở nên lỗi thời trong kỷ nguyên số hay không? Nghề nghiệp mà ta lựa chọn liệu có còn tồn tại sau khi ta ra trường và sẵn sàng tham gia vào lực lượng lao động hay không?
Đó là những câu hỏi không dễ trả lời. Viện Đạo đức Trí tuệ Nhân tạo Montreal (Canada) mới đây đã tiến hành khảo sát trên 400 người về chủ đề “Tương lai của việc làm” để tìm hiểu những mối quan tâm của người dân về giáo dục và việc làm thời Cách mạng công nghiệp 4.0. Kết quả cho mối bận tâm hàng đầu của những người được hỏi là sự thiếu hụt nhận thức và những nghiên cứu có cơ sở về tương lai của giáo dục và việc làm.
KHOẢNG CÁCH TRÌNH ĐỘ
Theo một nghiên cứu mới công bộ của Viện Strada (Hoa Kỳ), 43% cử nhân mới ra trường ở Mỹ không tìm được việc làm phù hợp với trình độ khi bắt đầu bước chân vào thị trường lao động. Trong số những cử nhân này, có tới hai phần ba tiếp tục phải làm những công việc không phù hợp với trình độ trong năm năm tiếp theo đó, và vẫn có tới 50% người tiếp tục phải làm những công việc này trong 10 năm đầu sự nghiệp.
Vấn đề việc làm không phù hợp trình độ dẫn tới hệ quả là những người lao động trình độ cao này không kiếm đủ tiền để trang trải nợ học phí đại học. Hơn 44 triệu người lao động Mỹ đang nợ học phí đại học với khoản nợ trung bình lên tới hơn 37.000 USD.

Tình trạng này có khả năng sẽ trở nên tồi tệ hơn. Báo cáo “Tương lai việc làm” của Diễn đàn Kinh tế Thế giới – WEF đưa ra dự đoán rằng trên toàn thế giới, 75 triệu việc làm sẽ bị thay thế bằng máy móc chỉ trong ba năm tới. Cũng trong khoảng thời gian này, 133 triệu việc làm mới sẽ được tạo ra, nhưng trong hầu hết các trường hợp, những người lao động mất việc làm sẽ không có đủ kỹ năng và trình độ cần thiết để có thể chuyển đổi sang những công việc mới này. “Khoảng cách trình độ” là một vấn đề đang nổi lên trong nửa thập kỷ qua, và vấn đề này không thể được giải quyết nếu các cơ sở giáo dục đại học không tìm ra con đường thích nghi với những yêu cầu mới của nền kinh tế toàn cầu.
CẢI CÁCH GIÁO DỤC ĐẠI HỌC
Những đổi thay tích cực đang bắt đầu diễn ra tại các cơ sở giáo dục đại học ở nhiều nước trên thế giới, nhưng vẫn còn ở quy mô khiêm tốn. Những sáng kiến, đổi mới và quan điểm mới về giáo dục đại học đã mang lại thành công nhất định ở một số trường đại học, mang tới lợi ích thiết thực cho sinh viên nói riêng và cả nền kinh tế nói chung. Nếu xu hướng này được mở rộng trong những năm tới, giáo dục đại học sẽ trở nên hiệu quả hơn đối với sinh viên, các nhà giáo dục và các nhà tuyển dụng lao động.
Rút ngắn chương trình học là một điều mà các cơ sở giáo dục đại học cần cân nhắc để bắt kịp xu hướng mới. Hiện tại, một chương trình giáo dục cấp đại học thường có độ dài bốn năm. Tuy nhiên, đối với nhiều ngành nghề, 4 năm đại học là thừa thãi và không cần thiết. Thay vì áp đặt sinh viên phải theo đuổi chương trình học kéo dài tới bốn năm, các trường đại học có thể cân nhắc việc đa dạng hóa chương trình học, thiết kế những chương trình thay thế có tính tập trung và thực tiễn hơn.

Việc đề cao tầm quan trọng của việc thiết kế những chương trình giáo dục đại học theo tiêu chuẩn bốn năm đã khiến nhiều người không có đủ điều kiện hoàn thành chương trình kiểu này mất đi cơ hội thành công so với bạn bè cùng lứa. Có tới 60% sinh viên đại học ở Mỹ không thể hoàn tất chương trình học của mình trong 4 năm.
Một hình mẫu có thể cân nhắc là hệ thống giáo dục La Grande Ecole du Numerique của Pháp – một mạng lưới các khóa đào tạo ngắn hạn trên nền tảng số không đòi hỏi các điều kiện tiên quyết. Những chương trình học này được thiết kế giành cho đối tượng học viên trẻ tuổi và đặt mục tiêu đào tạo số lượng lớn.
Một trong chuyển dịch tư duy cần thiết để làm cho giáo dục trở nên hiệu quả hơn là xã hội cần từ bỏ thói quen chuộng bằng cấp. Theo tạp chí The Atlantic, trong khoảng từ giữa những năm 1970 đến giữa những năm 1990, thời gian học trung bình của người lao động trong 500 vị trí công việc khác nhau đã tăng thêm 1, 2 năm. Cùng trong khoảng thời gian này, yêu cầu về trình độ đối với các vị trí công việc này vẫn giữ nguyên. Điều đó đồng nghĩa với việc người lao động đã phải bỏ ra thêm nhiều thời gian và tiền bạc hơn để học tập những nội dung không phục vụ cho công việc.
Nếu các cơ sở giáo dục và các nhà tuyển dụng từ bỏ thói quen chuộng bằng cấp, người lao động sẽ có cơ hội tập trung thời gian và nỗ lực vào việc theo đuổi những hình thức học tập phù hợp và mang lại kết quả thiết thực hơn, trong đó có các khóa học online, các chương trình thực tập và các kế hoạch học tập tự giác.
Trường Kỹ thuật 42 với các cơ sở ở Paris (Pháp) và San Francisco (Hoa Kỳ) là một hình mẫu về việc tái định hình giáo dục đại học. Trường học này không cấp bằng, cũng không tuyển dụng giảng viên hay tổ chức các lớp học. Thay vào đó, sinh viên hoàn toàn chủ động trong việc học và các dự án học tập của họ sẽ được chấm điểm bởi chính các sinh viên khác.
Một trong những cách tiếp cận khác để đồng bộ hóa mục tiêu của sinh viên với mục tiêu của trường học là loại bỏ mô hình đóng học phí thông thường và thay vào đó là hình thức Thỏa thuận Chia sẻ Thu nhập (ISA). Với hình thức này, sinh viên có thể theo đuổi việc học tập mà không phải bận tâm đến việc nộp học phí. Sau khi ra trường, họ sẽ trả chi phí đào tạo bằng cách chia sẻ một tỉ lệ phần trăm thu nhập của mình lại cho cơ sở giáo dục. Cách thức này sẽ tạo ra một hệ thống giáo dục mà trong đó sinh viên không phải chịu gánh nặng học phí và trường học phải có ý thức trách nhiệm đảm bảo cho thành công tương lai của sinh viên hơn. Hệ thống này sẽ mở ra cơ hội cho những người không có điều kiện tài chính để theo đuổi giáo dục đại học theo cách thức truyền thống hiện nay.
Học viện Akilah ở Rwanda là một cơ sở giáo dục dành riêng cho nữ giới, với mục tiêu tạo ra sự khác biệt và bền vững. Học viện Akilah đã hợp tác với Tổ chức đầu tư giáo dục Chancen có trụ sở tại Đức để cung cấp các khóa học theo hình thức ISA phục vụ những sinh viên đang theo đuổi những ngành nghề có nhu cầu cao như hệ thống thông tin, quản lý nhà hàng khách sạn, quản trị kinh doanh…
Cách tiếp cận không còn mới nhưng chưa bao giờ cũ để xây dựng những chương trình giáo dục đại học hiệu quả là tăng cường hợp tác giữa cơ sở giáo dục và giới doanh nghiệp. Đây là sự hợp tác mang lại lợi ích cho tất cả mọi người: sinh viên có điều kiện được hướng dẫn thực tế và thực hành nhiều hơn, trường học xây dựng được giáo trình thiết thực hơn, và các doanh nghiệp có cơ hội lựa chọn những người lao động triển vọng nhất.
Công ty Hyland, một doanh nghiệp phần mềm ở bang Ohio (Hoa Kỳ), đã hợp tác cùng nhiều cơ sở giáo dục ở địa phương từ cấp trung học cơ sở đến cấp đại học. Bằng việc tham gia giảng dạy, hướng dẫn thực tập và tài trợ cho các dự án sinh viên, công ty này đã xây dựng được mối quan hệ hợp tác chặt chẽ, mang lại hiệu quả không chỉ cho việc học tập của sinh viên mà còn cho công tác tuyển dụng nhân sự mới của doanh nghiệp.
Một điều tối quan trọng để trường học có thể đáp ứng nhu cầu của Cách mạng công nghiệp 4.0 là phải xây dựng chương trình giảng dạy xoay quanh các dự án thực tế. Những ngành nghề mới được tạo ra trong thời đại số đòi hỏi đến sự sáng tạo, khả năng tư duy logic, kỹ năng xã hội, kỹ năng biểu đạt và thương lượng. Lập luận, phản biện, đặt câu hỏi và tìm kiếm câu trả lời là những kỹ năng cần được rèn luyện song song với kiến thức trong nhà trường. Một trong những cách đưa những kỹ năng mềm như vậy vào lớp học là thông qua giảng dạy bằng dự án thực tế. Trong quá trình hoạch định, thiết kế và thực hiện những dự án cụ thể, sinh viên sẽ học được cách đáp ứng và thích nghi trong một thị trường lao động liên tục biến đổi.

Trường Make có trụ sở ở San Francisco (Hoa Kỳ) là một trong những trường đại học tiên phong cung cấp các chương trình cử nhân chỉ có độ dài hai năm trong lĩnh vực khoa học máy tính. Các sinh viên tại đây học tập thông qua nhập vai lập trình viên và tham gia vào các dự án trong một giáo trình có sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa khoa học máy tính, khoa học xã hội và phát triển nhân cách.
Đó là những hướng đi mà nhiều cơ sở giáo dục đã vạch ra nhằm tái định hình giáo dục đại học. Nếu được nhân rộng, những hướng đi này có thể giúp cho giáo dục đại học trở nên dễ tiếp cận hơn và đáp ứng tốt hơn trước những yêu cầu của thế kỷ 21.
Nguồn: Minh Châu