STEAM là một mô hình ra đời tại Mỹ, có thể xem như là khởi đầu cho những bước tiến lớn và là tương lai của nền giáo dục. STEAM được tạo thành từ thuật ngữ “STEM”, kết hợp thêm yếu tố A “Art -Nghệ thuật”. Như khái niệm đã trở nên phổ biến hơn ngày nay, STEM là chữ viết tắt của Khoa học – Science, Công nghệ – Technology, Kỹ thuật – Engineering, và Toán học – Mathematics. STEM tập trung vào việc đào tạo cho học sinh về 4 lĩnh vực trên. Tuy nhiên, với chủ trương của nền giáo dục hiện đại, ngày nay lại đánh giá cao tầm quan trọng của chữ A (Art) trong việc thúc đẩy sự đổi mới và sáng tạo, sự tinh tế, thẩm mỹ cũng như tính nhân văn của những sản phẩm khoa học công nghệ. Đó cũng chính là lý do tại sao phương pháp giáo dục STEAM ra đời.

Thêm một chữ “A” nhưng đó gần như là một bước tiến dài trong STEM/STEAM hay trong kỷ nguyên công nghệ như hiện tại. Không đơn thuần là mỹ thuật hay âm nhạc, khái niệm “Art” (Nghệ thuật) được hiểu rộng hơn, như một cấu phần rất lớn làm nên thành công của những nghiên cứu khoa học trong thời đại này, mà gồm có hai ý nghĩa chính.
Đầu tiên đó là mục đích ra đời của những sản phẩm khoa học kỹ thuật là để phục vụ con người, do đó chữ art cần được hiểu theo nghĩa tính nhân văn, hướng thiện. Những sản phẩm đó sẽ không đi ngược lại những giá trị phát triển bền vững – thứ mà cả thế giới đang khát khao theo đuổi.
Thứ hai là những sản phẩm khoa học công nghệ cần có sự tinh tế, thẩm mỹ nhất định trong thiết kế. Khi khoa học ngày càng phát triển thì đòi hỏi về một sản phẩm cũng ngày càng cao, và do đó, nghệ thuật càng len lỏi và hoà trộn vào mọi thứ, khiến cho những sản phẩm trở nên hoàn thiện hơn, tinh tế hơn.

Có thể nói rằng Giáo dục STEAM hướng tới giáo dục học sinh về những giá trị của nghệ thuật song hành cùng khoa học, cũng như những khía cạnh khác của cuộc sống, mọi thứ không hề tách rời nhau mà luôn bổ sung, song hành với nhau để tạo ra những sản phẩm hoàn thiện nhất.
Với Giáo dục STEAM, Quý Phụ huynh và các bạn học sinh có thể cảm nhận rất rõ màu sắc của sự hoà trộn ấy. Không đơn thuần là ở những trang trí hình thức, mà ẩn sâu trong đó là những nguyên lý, nguyên tắc khoa học tồn tại vô cùng tự nhiên và chân thành. Đó đều là những bài học được ẩn đằng sau các hoạt động trải nghiệm hay sản phẩm/mô hình cho những vấn đề thực tiễn từ cuộc sống.
Bên cạnh mục tiêu giáo dục học sinh, Giáo dục STEAM còn hy vọng lan toả giá trị và tình yêu khoa học tới giáo viên, phụ huynh và toàn thể cộng đồng. Giáo dục STEAM mang tới một mong muốn rằng, vẻ đẹp của khoa học, của kỹ thuật sẽ không chỉ nằm trong mắt của các giáo viên giảng dạy các môn khoa học tự nhiên mà còn là toàn bộ cộng đồng giáo viên nói chung. Phương pháp tích hợp liên môn có lẽ sẽ không chỉ nằm ở các môn STEM/STEAM mà cũng có thể được áp dụng với nhiều môn học khác.
Khi số lượng sinh viên theo học về STEAM trên thế giới vẫn còn đang khá thấp, trong khi nhu cầu nhân lực cho một thời đại 4.0 đang dâng cao thì việc tiếp cận với những môn học như thế này có ý nghĩa hướng nghiệp phần nào cho các bạn học sinh, mở ra cho các bạn những hiểu biết và những sự lựa chọn mới mẻ, chất lượng.
Nguồn sưu tầm.