Học viện STEAM: Viết cho MÙA TÌM TRƯỜNG

TÌM TRƯỜNG HỌC, THỰC RA LÀ TÌM CÁI GÌ? (Viết cho mùa tìm trường năm học 2019-2020)

Khi đi tìm trường, chúng ta thường bị cuốn vào những cám dỗ thường tình, và làm cho mình càng lúc càng xa mục tiêu ban đầu (mục tiêu của giáo dục). Chúng ta sẽ bị thu hút bởi tâm lý đám đông, cơ sở vật chất hoành tráng, bởi số tiết học tiếng Anh, bởi chương trình nước ngoài, bởi giáo viên nước ngoài, bởi ưu đãi học phí, bởi các quảng cáo đẹp mắt, thậm chí bởi 1 người nổi tiếng đang có con học ở trường đó… Nếu không có mục tiêu rõ ràng và tiêu chí cụ thể, thường là chúng ta sẽ càng rối hơn, hoặc là lựa chọn của chúng ta bị sai lệch bởi những sự thiên vị (bias) được tạo ra bởi các yếu tố gây nhiễu (distractors).

Tôi đã từng tư vấn cho các cha mẹ về các chương trình, để phân biệt cho được một trường tạm gọi là trường quốc tế, với một trường không phải quốc tế. Nhưng chuyện đó xảy ra lâu rồi, gần chục năm rồi. Bây giờ các cha mẹ biết về chương trình quốc tế nhiều hơn, phân biệt rất giỏi giữa chương trình IB với Cambridge, song ngữ với đơn ngữ, quốc tế với quốc gia…

Rồi cũng đến giai đoạn tôi khuyên phụ huynh căn cứ vào kiểm định chất lượng để nhìn ra được một trường có đảm bảo chất lượng, với một trường trôi nổi về chất lượng. Nhưng chuyện đó cũng xảy ra cách đây cả 5 năm rồi. Bây giờ phụ huynh cũng rất hiểu thế nào là kiểm định của CIS, WASC, NEASC, COBIS, IPC… ở Việt Nam, trường nào được kiểm định, và trường nào chưa.

Vậy ở giai đoạn này, nói về chuyện chọn trường, thì chúng ta căn cứ vào cái gì nữa đây? Thông tin về các trường có rồi, bảng xếp hạng có rồi, kiểm định rõ rồi thì đã yên tâm được chưa? Thực sự là chưa, nếu như bạn thực tâm muốn điều tốt nhất cho con trong điều kiện cụ thể của mình, trong không gian ở tại Việt Nam này. Bạn đã rõ về bên “A” là các trường, còn phía bên kia là “bên B” là con mình, trước khi bạn quyết định một cuộc lắp ráp (matching) A với B.

Lúc này chúng ta cần quay trở lại những câu hỏi lớn, những câu hỏi định hướng (guiding questions) để dẫn dắt việc chọn trường cho con:

1. Bạn muốn con trở thành người như thế nào? Vượt lên trên việc nói lưu loát tiếng Anh, có thể đi du học, có việc làm trong môi trường quốc tế, thì về mặt con người, bạn muốn cái con người đó như thế nào? Nó có hình thù ra sao, vẻ mặt nó có năng động, hạnh phúc không, nó có hài lòng hay bất mãn về cuộc sống, về những lựa chọn của mình, nó có ước mơ gì, nó có làm việc chăm chỉ để đạt được nước mơ của mình không? Đây là outcome (đầu ra) của việc giáo dục. Bạn phải bắt đầu bằng cách vẽ ra outcome của việc giáo dục, trước khi bạn đi chọn giải pháp giáo dục (là trường học).

2. Nguyên tắc lớn của giáo dục phổ thông (dành cho trẻ dưới 18 tuổi), là vì sự well-being (hạnh phúc) của đứa trẻ. Hạnh phúc là khái niệm chung chung quá. Không lẽ cứ cười suốt ngày đã là hạnh phúc? Nếu bạn chia nhỏ khái niệm well-being ra, thì nó bao gồm comfortable, healthy và happy. Đã rõ ràng hơn, một nơi mà trẻ hạnh phúc, tức là nó phải cảm thấy an lành, yên ổn, thoải mái như ở nhà, khỏe mạnh về cơ thể, tâm hồn và các mối quan hệ, cũng như phấn chấn trong nội tâm. Cái mà bạn chọn có mang con bạn lại gần well-being của nó, hay đẩy nó xa hơn well-being của nó? Đó là câu hỏi định hướng thứ hai.

3. Học là cái gì, và học để làm gì? Nếu bạn hiểu học là tiếp nhận tri thức, thì chuyện đó xưa rồi. Học ngày nay là quá trình khám phá và tự hoàn thiện bản thân, phát triển tư duy thông qua việc tiếp nhận tri thức, xây dựng kỹ năng, để cuối cùng hình thành năng lực và phẩm chất. Không phải tri thức (knowledge), mà năng lực (capabilities) và phẩm chất (qualities) mới là điểm đến của việc học của mỗi cá nhân ngày nay. Một người có bằng MBA mà không có năng lực quản trị, một người có bằng tiến sỹ mà không có năng lực nghiên cứu, một người có bằng Tú tài quốc tế mà không có tư duy toàn cầu là những ví dụ về sự thất bại của việc học. Nói một cách sâu sắc hơn, trong xã hội hiện nay, một người có trình độ học vấn mà chưa có thể nuôi sống bản thân hay gia đình của mình thì khó có thể đóng góp gì cho xã hội và hãy chớ gọi người đó là yêu nước. Và đó chính là sự thất bại của một nền giáo dục.

4. Giáo dục tốt nhất, trường học tốt nhất là chỗ phù hợp với nhu cầu và lợi ích đứa trẻ. Vậy bạn có biết con bạn có nhu cầu gì không? Nó muốn cái gì, ước mơ gì, cần gì để lớn lên. Những gì mang lại lợi ích cho nó? Nếu bạn trả lời câu hỏi này thật lòng, bạn sẽ thấy điểm IELTS 8.0 không phải là lợi ích của đứa trẻ, nhưng việc có thể đọc sách được bằng tiếng Anh hay có thể giao tiếp cơ bản với người nước ngoài lại là một lợi ích cả cuộc đời của một đứa trẻ. Vậy câu hỏi đúng phải đặt ra cho con là: Con có nhu cầu gì vào thời điểm này, con cần sự hỗ trợ gì về mặt giáo dục để thỏa mãn nhu cầu đó, để tiềm năng đó không bị mất đi? Đâu là lợi ích của cuộc đời con. Nó có phải là tấm bằng đại học, hay là một cái nghề cho con kế sinh nhai bền vững, nó có phải là đứng đầu lớp học, hay là một mạng lưới bạn bè hỗ trợ con cả cuộc đời, là biết chơi 10 môn thể thao hay là sức khỏe và năng lượng tích cực luôn thường trực trong con người của con?

5. Con của bạn là sản phẩm của thời đại khác bạn. Vậy bạn có từ bỏ được việc lấy những trải nghiệm của mình áp lên con không? Bạn nói rằng thế hệ của bạn học hành sơ sài vẫn làm nên công trạng. Nhưng bạn có thấy vấn đề của thời đại bạn là gì, và vấn đề của thời đại con bạn là gì không? 20 năm nữa, những chủ đề, những nghề nghiệp chúng ta thấy ngày hôm nay, có còn y nguyên giá trị hay đã thay đổi từ lâu rồi? Lúc đó vở sạch chữ đẹp có còn quan trọng không, học bổng du học có còn quan trọng không, học đại học Mỹ có còn quan trọng không?

Trong trải nghiệm hạn hẹp của mình trong giáo dục, tôi thấy giáo dục ở Việt Nam, thường thiếu tầm nhìn. Nó thể hiện trong việc xây trường, chọn trường, vận hành… hiếm khi có tầm nhìn và kế hoạch trên 10 năm. Nó thường là những câu chuyện thời sự sớm nở tối tàn, đầu voi đuôi chuột. Nó không thể hiện tầm nhìn xuyên thế hệ (50 năm, 20 năm, 10 năm)… khi thiết kế chuyện học cho một con người.

Dù chương trình học sẽ có nhiều thay đổi theo thời gian, nhưng giá trị của sức khỏe, hạnh phúc, sự thông tuệ, gia đình, tình bạn và những phẩm chất đẹp của một con người thì ít thay đổi. Vậy khi chọn trường học, bạn tìm kiếm cái gì? Câu trả lời là khi bạn quyết tâm chọn well-being cho con bạn để hướng tới những giá trị ở trên, lựa chọn đó sẽ không bao giờ sai.

Nguồn: Khánh Nguyên (Anh cá heo)

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *