Mạng lưới giáo dục STEAM

Giáo dục thời đại 4.0: Cần sự liên minh

Cha mẹ, thầy cô và các nhà hoạch định chính sách cần có sự liên minh tạo thế kiềng 3 chân vững chắc mới có thể mang đến nền tảng giáo dục tốt cho con em.

 

Yêu cầu cơ bản này hiện đang trở nên ngày càng bức thiết do các thử thách mà cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đặt ra.

Theo McKinsey Global Institute – Viện nghiên cứu toàn cầu thuộc Tập đoàn tư vấn chiến lược hàng đầu thế giới – vào năm 2030, máy tính sẽ thay thế 60% công việc hiện tại, tức trên 800 triệu người sẽ mất việc. Trước thực tế khoa học công nghệ sẽ là lĩnh vực trọng yếu, giáo dục STEM-STEAM đang được nhiều quốc gia xem là quyết sách giáo dục hàng đầu. (STEAM là chữ viết tắt tiếng Anh của bốn từ Science – Khoa học, Technology – Công nghệ, Engineering – Kỹ thuật, Art – Nghệ thuật và Math – Toán học).

Xu hướng STEAM trên thế giới

Để chuẩn bị tốt nhất cho con em nước Mỹ năm 2030, từ năm 2009, Tổng thống Barack Obama đã ký chi trả 700 triệu USD để đào tạo 100.000 giáo viên STEAM. Đến năm cuối cùng của nhiệm kỳ – 2016 – ông tiếp tục đưa sáng kiến Computer Science for All để phục vụ mục tiêu tương tự với ngân sách được nâng lên 4 tỷ USD. Không riêng Tổng thống Obama, tỷ phú Bill Gates cũng khẳng định: Nếu không đầu tư vào STEAM, Mỹ sẽ mất vai trò cường quốc.

Tại một quốc gia nhỏ bé khác – Estonia – vùng đất chỉ mới khai sinh sau sự tan rã của Liên Xô năm 1991 với diện tích nhỏ hơn Tây Nguyên của Việt Nam, chính quyền đã sớm áp dụng phương pháp giáo dục STEM-STEAM từ cấp mẫu giáo.

Kết quả là hiện nay, 100% người dân Estonia đã bầu cử và khai thuế online. 100% trường học Estonia được trang bị máy tính và mạng internet. Tất cả công dân được quyền truy cập vào thư viện quốc gia tại bất kỳ đâu. Phụ nữ Estonia đứng đầu thế giới về tỷ lệ có bằng đại học. Ấn tượng nhất, vượt trên hàng loạt cường quốc láng giềng ở châu Âu, Estonia chiếm lĩnh vị trí thứ 7 thế giới về phát triển khoa học kỹ thuật. Thành tựu của đất nước chỉ vỏn vẹn 1 triệu dân này được lý giải là “quả ngọt” của quyết sách áp dụng STEM-STEAM vào trường học.

Từ thành công của các quốc gia tiên phong, STEM-STEAM đã được chứng minh là phương pháp giáo dục hiện đại giúp trẻ nuôi dưỡng sự hào hứng khám phá, rèn luyện kỹ năng giải quyết vấn đề, hợp tác nhóm. STEM-STEAM đặt trẻ vào vai trò một nhà phát minh, động viên trẻ tự hào về những “công trình nghiên cứu” của mình để tự tin chia sẻ, thuyết trình trước đám đông.

Đội STEAM WASS 06, một trong bốn đại diện Việt Nam thi đấu chung kết quốc tế cuộc thi First Lego League tại Mỹ, tự tin thuyết trình dự án trước đám đông
Đội STEAM WASS 06, một trong bốn đại diện Việt Nam thi đấu chung kết quốc tế cuộc thi First Lego League tại Mỹ, tự tin thuyết trình dự án trước đám đông

Ngoài ra, nhờ cách học tích hợp, trẻ biết cách chủ động liên hệ kiến thức được học với sự vật hiện tượng ngoài đời thực. Tất cả lý giải kết quả thống kê của Bộ Thương mại Hoa Kỳ, rằng những trẻ học theo phương pháp STEAM khi lớn lên đi làm thường có thu nhập cao hơn, mặc dù không làm trong cách lĩnh vực khoa học, kỹ thuật, toán học hay công nghệ.

Tạo thế kiềng 3 chân cho giáo dục STEM-STEAM ở Việt Nam

Mới đây, khi phụ huynh, thầy cô và các nhà hoạch định chính sách Việt Nam có dịp ngồi lại trong hội thảo “Kiến tạo tương lai từ giáo dục STEM-STEAM” do Samsung Vina và Lego Education phối hợp tổ chức, các bên đã chủ động đưa ra những giải pháp để có thể “liên thủ” thành công trong nỗ lực chung: thông qua công cụ STEAM, tạo nền tảng giáo dục vững chắc giúp con em đối diện cột mốc thử thách 2030.

Thầy Phạm Ngọc Tiến – Phó trưởng phòng Giáo dục Trung học, đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM khẳng định: “Rõ ràng, giáo dục Việt Nam bắt buộc phải áp dụng STEM-STEAM nếu không muốn lạc hậu.” Thầy chia sẻ hiện nay, thành phố đang có những bước đầu tiên sơ khai để đưa STEM-STEAM vào học đường: “Bước 1 là đào tạo kỹ năng, thay đổi cách dạy và học để gắn với thực tế nhu cầu xã hội. Ví dụ như dạy về điện trở thì không chỉ dạy lý thuyết mà phải cho học trò trải nghiệm. Bước 2 là xây dựng những hoạt động dạy học theo các dự án khoa học công nghệ. Bước 3, thành phố sẽ triển khai những bộ môn tự động hóa ứng dụng – như môn tự chọn Robot tự động hóa – vào trong nhà trường.”

Trong khi đó, tại một số trường trên địa bàn thành phố, các thầy cô đã đặt những viên gạch đầu tiên của giáo dục STEM-STEAM, chuẩn bị một phần tâm thế cho học sinh. Hiệu trưởng trường tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm (Q.1), cô Lâm Hồng Lãm Thúy chia sẻ: Hiện trường đã có 3 CLB ứng dụng STEM-STEAM, 3 CLB khoa học ứng dụng, tạo môi trường cho học sinh tìm tòi và nghiên cứu các hiện tượng đời sống như tại sao chong chóng quay, để bắn thun xa cần lực tác động bao nhiêu… Một số CLB còn được hướng dẫn bởi thầy cô người nước ngoài để giúp các em gia tăng vốn từ vựng tiếng Anh trong lĩnh vực khoa học kỹ thuật – công nghệ.

Tọa đàm về tầm quan trọng và lợi ích của STEM. Từ trái qua phải: ông Lê Đình Hiếu, thầy Phạm Ngọc Tiến, cô Lê Hồng Lãm Thúy, ông Trịnh Nhựt Đông.
Tọa đàm về tầm quan trọng và lợi ích của STEM-STEAM. Từ trái qua phải: ông Lê Đình Hiếu, thầy Phạm Ngọc Tiến, cô Lê Hồng Lãm Thúy, ông Trịnh Nhựt Đông.

Đặc biệt, bởi giáo dục STEM-STEAM coi trọng ứng dụng kiến thức vào đời sống, nên sự tham gia của cha mẹ trong việc giải đáp các câu hỏi của con trẻ là một mảnh ghép quan trọng. Anh Trịnh Nhựt Đông (phụ huynh học sinh em Trịnh Nhựt Nam – tham dự vào CLB Mindstorm tại ĐH Khoa học Tự nhiên) kể những câu chuyện xoay quanh STEM-STEAM của anh và con: “Có lần, khi hai ba con bước vào một cửa hàng, bỗng âm thanh báo khách đến vang lên ting ting. Bé hỏi tại sao, tôi bèn giải thích đó là một dạng thiết bị cảm biến như con được học trong CLB STEAM của trường ĐH Khoa học Tự nhiên. Khi bé đọc thông tin sắp tới sẽ có xe hơi không người lái, tôi cũng giải thích xe cũng hoạt động dựa trên quy tắc cảm biến, tự động tránh các chướng ngại… Bé tìm hiểu về STEM-STEAM đã rất thích thú, khi được ba mẹ thường xuyên đưa ví dụ trong đời thực, bé lại càng yêu thích việc học tập khi biết mọi thứ trong cuộc sống xung quanh đều có thể được lý giải bằng kiến thức đã học”, anh Đông bộc bạch.

Mặc dù Việt Nam đã đi chậm hơn thế giới 10-15 năm trong ứng dụng giáo dục STEAM – theo anh Lê Đình Hiếu (Chuyên gia nghiên cứu giáo dục UNESCO) – nhưng chậm còn hơn không. Nhìn ở góc độ tích cực hơn, anh Hiếu nhận định, rằng bắt đầu ở giai đoạn này, Việt Nam có thể tận dụng lợi thế “đứng trên vai người khổng lồ” khi các giáo trình STEM trên thế giới đã hoàn thiện và sẵn có.

Nhằm góp phần nâng cao mức độ nhận biết của cộng đồng về việc ứng dụng phương pháp giáo dục tiên tiến STEAM vào chương trình đào tạo cho giới trẻ ở Việt Nam, Công ty Điện tử Samsung Vina công bố kế hoạch hợp tác chiến lược với Lego Education tại Việt Nam, đơn vị có nhiều kinh nghiệm và tâm huyết trong việc đưa STEAM vào hoạt động giáo dục và học tập. Sự kiện này đánh dấu một giai đoạn mới trong chuỗi hoạt động Trách nhiệm Doanh nghiệp với cộng đồng (CSR) của Samsung, vốn tập trung vào lĩnh vực giáo dục, truyền cảm hứng học hỏi cho thế hệ trẻ bằng công nghệ và những mô hình học tập tiên tiến trong nhiều năm qua.

Trích nguồn: Dân Trí

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *